Cây xoài là một loại cây vừa dùng làm cây cảnh, vừa là cây ăn quả và còn cho bóng mát trong những công trình, đô thị. Có lẽ, chính vì đa công dụng như vậy, người ta hay săn tìm mua cây xoài để trồng trong gia đình cũng như các công trình.
Tên thường gọi: cây xoài
Tên khoa học: Cây Xoài có tên khoa học là Mangifera Indica L, thuộc họ Anacardiacae.
Loại và giống: Xoài có rất nhiều giống, nhưng có 2 nhóm giống cơ bản là nhóm cây xoài Ấn Độ (hạt đơn phôi) và nhóm cây xoài Đông Nam Á (hạt đa phôi). Nhóm cây xoài đơn phôi thường cho trái quanh năm.
Còn với loại xoài thì chúng được chia ra theo công dụng của cây, đó là: cây xoài ăn quả, cây xoài cảnh và cây xoài cho bóng mát. Dù khác nhau về loại và công dụng, nhưng hình thái cây xoài không có nhiều khác biệt.
Nguồn gốc:
Cây có nguồn gốc ở các nước nhiệt đới châu Á, hiện đã được trồng phổ biến ở khắp những nước nhiệt đới khác. Tại miền Nam của Việt Nam, xoài được trồng rất nhiều với nhiều giống và nhiều loại khác nhau.
Hình thái và đặc điểm:
Xoài là cây thân gỗ lớn, cao từ 15-20 m. Ở những nơi rộng rãi, thoáng chiều cao cây và tán cây có đường kính tương đương. Tán cây lớn hoặc nhỏ tùy theo giống. Cây xoài mọc rất khỏe. Phần lớn rễ cây phân bố ở tầng đất 0-50 cm và tập trung trong phạm vi cách gốc khoảng 2 m. Rễ có nhiệm vụ cố định cây, hút nước và dinh dưỡng nuôi cây.
Lá xoài nguyên, mọc so le, dạng lá đơn, thuôn dài, mặt trên nhẵn bóng có màu xanh đậm, mặt dưới nhạt màu hơn. Lá dài từ 15-30 cm và rộng từ 5-7 cm. Gân chính cùng với hệ thống gân phụ hình xương nổi rõ ở mặt dưới lá. Một năm xoài có thể ra 3-4 đợt chồi tùy theo giống, tùy vào tuổi cây, thời tiết khí hậu và tình hình dinh dưỡng; cây con ra nhiều đợt chồi hơn so với cây đang cho quả; cây già rất khó ra chồi.
Lá non sau 35 ngày mới chuyển xanh hoàn toàn, mỗi lần ra lá cành xoài dài thêm 20-30 cm.
Hoa xoài ra từng chùm ở ngọn cành, chùm hoa dài khoảng 30 cm, có rất nhiều hoa nhỏ màu vàng nhạt. Mỗi chùm thường có 2 loại hoa: hoa lưỡng tính và hoa đực. Xoài là cây thụ phấn chéo, thụ phấn nhờ côn trùng là chủ yếu.
Quả xoài thuộc dạng quả hạch khá to, hạch dẹt, hình thận, cứng, trên có những thớ sợi, khi nẩy mầm thì hơi mở ra. Quả xoài sống có màu xanh lá, xanh ngọc hoặc màu trắng xanh; khi chín có màu vàng hấp dẫn, có vị chua ngọt, mùi thơm ngon được nhiều người ưa thích và được xem là một loại quả quí.
Khả năng thích nghi:
Hầu hết các loại xoài đều có thể chịu đựng được nhiệt độ 10oC – 46oC nhưng thích hợp nhất ở nhiệt độ 24oC – 27oC, nhiệt độ cao và ẩm độ không khí cao gây hại cho sự phát triển của cây.
Xoài không kén đất, cây có thể trồng được trên nhiều loại đất khác nhau miễn là có tầng mặt sâu vì rễ xoài là loại rễ cọc. Chính nhờ bộ rễ khỏe ăn sâu nên cây xoài chịu hạn tốt. Cây phát triển tốt trên đất phù sa ven sông như ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, độ pH thích hợp nhất là 5,5 – 7.
Trên đây là đặc điểm chung, còn với từng loại khác nhau sẽ có những công dụng khác nhau. Vì thế mà người bán và mua cũng dễ dàng hơn trong việc chọn giống xoài cũng như loại cây để trồng. Cũng như cây nho thân gỗ, cây xoài được ưa chuộng hơn hết ở đặc tính cho trái ngon.
Cây cũng có những đặc tính và hình thái giống xoài bình thường, tuy nhiên, với loại xoài ăn quả này, chúng lại được chia thành nhiều giống xoài cho ra những loại quả có hình dáng và vị khác nhau. Ví dụ như một số giống xoài như sau:
– Xoài Cát Hòa Lộc: Xuất xứ tại Hòa Lộc-Cái Bè -Tiền Giang, giống có giá trị thương phẩm cao do trái ăn ngon, dạng trái đẹp, trọng lượng trung bình trái từ 450-500gr. Nếu được chăm sóc tốt cây xoài 20 năm tuổi có thể cho năng suất hơn 300kg.
– Xoài Cát Chu: đây là giống trồng phổ biến tại Đồng Tháp, chất lượng ngon, năng suất rất cao (xoài trên 30 năm tuổi cho năng suất từ 800-1.200kg/cây/năm), trọng lượng trái trung bình 250-350 gr, xoài có sức sinh trưởng mạnh, thường được nhân giống bằng ghép mắt hoặc ghép cành.
– Xoài Xiêm: Tuy không được biết đến nhiều, nhưng xoài Xiêm có chất lượng trái ngon gần tương đương với xoài Cát Hòa Lộc, cho năng suất cao do tỷ lệ đậu trái nhiều. Cây xoài xiêm có tuổi thọ và sức sống bền bỉ hơn.
– Xoài Bưởi: Được trồng trước đây, Xoài giống từ hạt nên giá cây giống rẻ. Sau gần ba năm xoài Bưởi cho trái bói. Xoài Bưởi dễ ra hoa đậu trái, năng suất cao. Cây 7-8 năm tuổi có thể cho năng suất trung bình từ 70-80 kg, vỏ trái có mùi hôi, vỏ tương đối dầy nên dễ bảo quản và có thể vận chuyển đi xa. Tuy nhiên,cây Xoài Bưởi cho chất lượng kém nên ít được nhà vườn chú ý.
– Giống nhập nội: Hiện nay, một số giống Xoài nhập nội đang được khảo nghiệm và trồng thử, một số giống tỏ ra thích nghi và có thể giới thiệu vào sản xuất như cây xoài Nam Dork Mai, cây xoài Pan Cul Sị, cây xoài Khiêu xa vơi, cây xoài Sok-a nan.
Cây Xoài là cây lá xanh quanh năm, dễ trồng và dễ chăm sóc, thích hợp trồng làm cây công trình, cây bóng mát, cây sân vườn tại các khu đô thị, khu biệt thự, vừa tạo cảnh quan xanh, vừa cho quả ăn.
Hiện nay, cây Xoài cùng với cây sấu, cây mít là những loại cây ăn quả đang được lựa chọn để trồng làm cây bóng mát, cây công trình cảnh quan tại các dự án xây dựng, các khu dân cư mới, công trình xây mới.
Với cây xoài trồng làm cây xanh đô thị, cây công trình, cây lấy bóng mát, không cần quan tâm nhiều đến việc chăm bón.
Cách trồng và chăm sóc:
Những người bán và mua cây xoài cần quan tâm hơn hết đến cách trồng và chăm sóc cây xoài. Làm sao để chúng luôn đẹp tạo bóng mát cho không gian hay để chúng cho trái ngon, quả ngọt.
Kỹ thuật trồng:
– Đắp mô trên mặt liếp: Với đường kính 80-100cm, cao 30cm, thành phần đất đắp mô bao gồm 70% đất mặt, 30% phân chuồng, phân hữu cơ, 200-300gr DAP, 3-5 kg tro trấu. Tất cả trộn đều vun lại thành mô, trên có rơm rạ phủ lên mặt mô. Để chống mối, kiến làm tổ dưới gốc, có thể trộn thêm vào thành phần mô đất 5-10 gr thuốc Basudin hoặc Furadan. Mô được chuẩn bị trước khi đặt cây khoảng 2-4 tuần.
– Khoảng cách trồng: Cây Xoài có thể trồng (7m x 7m) hoặc (8m x 8m) trường hợp thâm canh cao có thể trồng dầy hơn với khoảng cách (7m x 5m) hoặc (6mx 5m).
– Tưới nước: Trong thời kỳ cây xoài còn nhỏ việc tưới nước có thể tiến hành quanh năm nhằm cung cấp đủ nước cho các đợt lộc non hình thành và phát triển. Đặc biệt trong thời gian đầu sau khi trồng mới, việc tưới nước cần phải duy trì từ 3-4 ngày/lần.
– Phòng trừ sâu bệnh: Cây xoài cũng có nhiều loại sâu bệnh, cũng như việc chăm sóc các loại cây khác, cần phát hiện bệnh sớm và có phương pháp phòng trừ cụ thể.
– Bón phân: Hàng năm nên bón mỗi gốc từ 200-400g phân NPK 16-16-8 và khoảng 200g phân urê, lượng phân này được chia ra làm 2 lần bón vào đầu và cuối mùa mưa. Về cách bón, có thể bón theo lỗ hoặc rải đều xung quanh gốc theo phạm vi của tán và cách gốc từ 0,3-0,5m.
Xem thêm
CÂY XANH CÔNG TRÌNH
CÂY XANH NGOẠI THẤT