Dớn là giá thể trồng lan được người trồng lan rất ưa chuộng giúp cung cấp nhiều dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của lan. Để chọn được dớn phù hợp cho loại lan sắp trồng, bạn cần phải biết về các loại dớn được dùng phổ biến hiện nay cũng như các kỹ thuật xử lý các loại dớn trồng lan.
Dớn trồng lan là gì?
Bất cứ lan đa thân nào bạn cũng có thể sử dụng dớn sợi để làm giá thể. Dớn là thân và rễ của cây dương xỉ (Dicksonia antarctica) là một loại cây mọc nhiều ở các vùng thung lũng đồi núi Đà Lạt. Là loại cây thân đứng, rất nhiều rễ đen hoặc nâu bao trùm xung quanh thân, rễ to cỡ cây tăm cho tới chân que nhang hoặc hơn một chút, thân có thể cao từ vài mét tới vài chục mét. Đường kính gốc tính cả bộ rễ bao trùm có độ dài từ 0,5 -1m.
Người trồng lan ép hoặc cắt khúc thân cây dớn (dương xỉ) thành các hình dạng phù hợp để làm giá thể cho lan. Có 2 dạng dớn : dớn dạng sợi (dớn già) và dớn vụn (dớn non).
Trong các loại chất trồng dành cho lan, dớn là loại giá thể trồng lan tốt nhất bởi ưu điểm giữ ẩm cao, thông thoáng, giàu dinh dưỡng (nhất là K và N), chậm phân hủy.
Dớn dùng trồng lan rất tốt là nhờ giữ ẩm cao, thoáng rễ. Giúp cây lan thích nghi nhanh và bộ rễ bám rất chặt vào dớn. Bộ rể phát triển tốt thì cây lan phát triển rất nhanh và rất bền 3 năm trở lên.Vì vậy hiện nay các người chơi lan ưa chuộng dùng dớn để trồng và ghép lan rất nhiều. Dớn vừa là giá thể, vừa là chất trồng rất lợi mà ít bị nấm mốc. Trồng lan bằng dớn cọng lâu mục ít đọng muối, trọng lượng chậu lan nhẹ hơn so với than.
Nhược điểm là hút ẩm và hấp thu phân bón kém. Nếu chỉ trồng riêng dớn thì chậu lan cũng không có độ thoáng. Không nên lấy dớn quá vụn vì dễ bị mục nát, gây bí, không thoát nước ở chậu lan. Nếu sử dụng để trồng lan trên sân thượng thường nắng nhiều cây dễ bị sock do khô vì chất trồng này mau khô lắm, đồng thời cũng dễ bị mọc rêu…
Ngoài ra còn có dớn mềm (dớn trắng). Dớn mềm có nguồn gốc là một loài rêu, sống trên mặt các đầm lầy, có tên thương mại là “Sphagnum moss”. Dớn mềm có khả năng giữ nước và độ bền cao (lâu mục) nên tiết kiệm được thời gian tưới và thay giá thể trồng, tách hay thay chậu dễ dàng. Dớn ngậm nước sẽ giải phóng các Cation H+ như một chất kháng khuẩn tự nhiên giúp cho rễ lan phát triển. Thị trường Nhật Bản rất ưa chuộng và sử dụng sản phẩm này.
Nhược điểm của dớn mềm là giá cao, dễ bị rong rêu, úng nước trong mùa mưa. Bạn phải kiểm soát được lượng nước tưới, lượng phân tưới…nếu không chậu lan sẽ dư nước, độ ẩm cao dễ sinh nấm, rêu, ốc sên …cây sẽ dễ bị thối, suy yếu và chết.
3 loại dớn trồng lan thông dụng hiện nay
1. DỚN ĐÁ
Sợi rễ đen, khá to, rất nặng, cực kỳ cứng, kết cấu giữa các rễ với nhau rất khít, chặt. Một cây dài 1,5m đường kính 40cm rất nặng. Dớn đá độ giữ ẩm khá kém. Loại này có thể để trụ, xẻ bảng, khoét chậu hoặc chặt vụn. Dớn đá băm vụn 1-2cm từng cọng, cho vào chậu trồng các giống lan có giả hành hoặc địa lan, lan hài rất tuyệt vời. Dớn đá rất bền, có thể dùng tới 4-6 năm.
2. DỚN CÙ LẦN
Loại dớn này cây thường không to và không cao lắm, cỡ 1-2m, bộ rễ nói chung là ít, chủ yếu tập trung ở gốc, trên thân giả có lông tơ rất mịn. Thân gỗ chỉ là thân giả có thể tách ra thành từng múi, mỗi múi cỡ ngón tay và có rất nhiều lông tơ rất mịn, khả năng giữ ẩm cao. Loại này thích hợp để băn ra hơn là để nguyên khúc.
Dớn cù lần thường dùng để trồng lan hài, hoặc bạn có thể trộn với vỏ thông nhỏ cỡ 1cm dùng để trồng lan hài và địa lan. Tuổi thọ sử dụng của dớn cù lần để trồng lan là khoảng 3-4 năm thì mới thay mới giá thể. Ưu điểm của loại dớn này là có khả năng giữ ẩm tốt giúp cây lan sinh trưởng, phát triển tốt.
3. DỚN SỢI (hay còn gọi là dớn vàng, dớn nâu)
Rễ rất nhiều, mềm mại, đan xen nhau nhưng không quá chặt. Khi còn tươi khá nặng cỡ 40kg 1 cây dài 1,5m đường kính 40cm, nhưng khi khô rất nhẹ, chỉ còn khoảng chục ký. Loại dớn này thường dùng xẻ bảng, cưa khúc, thái lát mỏng làm tã, băm vụn cho vào chậu, hoặc để cả cây to rồi đổ bê tông 1 đầu cho đứng lên làm tác phẩm khủng.
Ưu điểm của loại dớn này là thoát nước tốt, giữ ẩm vừa phải, tuổi thọ sử dụng khoảng 3-4 năm.
Trong ba loại trên, thì dớn đá giữ nước kém nhất nhưng bền nhất, dớn cù lần giữ nước là tốt nhất.
Cách xử lý dớn trước khi trồng lan
Dù là dớn bảng hay khúc hay sợi thì ta đều cần xử lý trước khi trồng lan:
– Bước 1: Rửa thật sạch với nước lã. Rũ sạch đất, cát, lá và vỏ cây tạp. Sạch tới mức nước rửa trong veo luôn là tốt nhất.
– Bước 2: Ngâm nước vôi hoặc nước vôi trong với thời gian 1 tiếng tới 1 ngày. Mục đích chính là trung hòa axit, diệt cỏ dại, côn trùng gây hại như cuốn chiếu, sâu đất, kiến, mối, rết, ốc và sên. Hoặc bạn có thể ngâm Physan 20 nồng độ 2ml/1lít nước 1-24 tiếng.
– Bước 3: Rửa lại với thật nhiều nước lã, rửa trôi hết nước vôi đi.
– Bước 4: Ghép lan lên hoặc cho vào chậu hoặc làm tã đắp lên giò lan.
Luộc dớn với nước sôi trong 20-30 phút cũng là 1 cách xử lý rất hiệu quả!
- Fanpage: https://www.facebook.com/TrongRauSachvaLamVuontaiNha
Dớn là loại giá thể rất tốt cho các loài lan, chúng tạo điều kiện cho lan phát triển tốt, giữ ẩm và ngừa bệnh tốt. Bạn cần lựa chọn nơi mua dớn trồng lan có chất lượng tốt và phù hợp với loại lan mình sắp trồng. Giongrausach.com Hy vọng với bài viết về dớn trồng lan trên đây sẽ là những thông tin hữu ích cho bạn khi trồng và nuôi hoa lan.