Cây xạ hương (còn được gọi là thyme) được đánh giá là loại “thần dược” của hệ hô hấp và hệ thần kinh. Cây có mùi hương đặc trưng nên thường rất dễ nhận biết. Từ xa xưa, người châu Âu đã dùng loại thảo mộc này để trị bệnh và chăm sóc sức khỏe. Ngày nay, cây xạ hương đã phổ biến khắp thế giới và được nhiều người biết đến. Vậy xạ hương có công dụng gì và cách sử dụng như thế nào?
Đặc điểm và thành phần dinh dưỡng của cây xạ hương
Cây xạ hương là loài cây bụi, mọc cao khoảng 30 – 70 cm và mọc thành khóm nhỏ. Thân cây có lớp lông mềm mịn bao phủ. Lá cây nhỏ, nhìn múi giáo dài chỉ từ 5 – 9mm và cũng có lông ở dưới. Hoa xạ hương có màu trắng hồng hoặc tím nhạt. Đặc điểm đặc trưng nhất của loài cây này đúng như tên gọi, là mùi hương tự nhiên nồng nàn rất đặc trưng, chỉ cần đi qua là có thể ngửi thấy.
Cây cỏ này có nguồn gốc từ Châu Âu và phía Tây Địa Trung Hải. Loài thảo mộc này thường mọc ở vách núi và nơi có khí hậu mát mẻ. Dần dần, nó được du nhập vào nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Với điều kiện thời tiết phù hợp, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và Sapa (Lào Cai) là nơi phân bố chính của loài thảo mộc này ở nước ta.
Thành phần dinh dưỡng trong 100g lá xạ hương gồm:
- 65.11g nước;
- 101 calo;
- 5.56g chất đạm;
- 1.68g chất béo;
- 160.1 mg vitamin C;
- 0.348 mg vitamin B6;
- 24.45g carbohydrate;
- 405 mg canxi;
- 17.45 mg sắt;
- 140 mg magie;
- 609 mg kali.
Ngoài ra, thành phần chủ yếu trong lá thyme chính là là chất muskon – chất tạo ra mùi thơm đặc trưng của nó.
Tác dụng của cây xạ hương
Tác dụng của cỏ xạ hương là gì? Trong y học cổ truyền, cỏ xạ hương có vị cay, tính ấm, có tác dụng giảm đau, trừ mủ, tiêu nhọt, thúc thai sản… Khoa học hiện đại tìm ra nhiều hơn những công dụng của cỏ xạ hương như:
- Dầu xạ hương nồng độ thấp được sử dụng như một loại chất bảo quản tự nhiên, có thể ngăn chặn sự tấn công của vi khuẩn vào trong thực phẩm.
- Tinh dầu cỏ xạ hương cũng có tác dụng giảm ho, tốt cho người bị viêm phế quản cấp tính khi kết hợp với lá thường xuân.
- Với tính kháng viêm, chống khuẩn mạnh mẽ, loại thảo mộc này cũng chứng minh hiệu quả trong việc điều trị mụn. Dẫn xuất phenol monoterpen và carvacrol có thể ức chế sản sinh ra các cytokin gây viêm trong cơ thể.
- Trong thành phần của cây xạ hương còn có vitamin C và nhiều vitamin cùng khoáng chất khác có tác dụng cải thiện hệ miễn dịch của cơ thể.
- Mùi hương đặc trưng trong thảo mộc này cũng có thể xua đuổi côn trùng hiệu quả.
- Tinh dầu cỏ xạ hương giúp thư giãn tĩnh thần hiệu quả. Đây là hương liệu giúp an thần, giảm lo âu, ngủ ngon nên có trong phòng ngủ của bạn.
- Người dân nhiều nước Châu Âu còn dùng xạ hương như một vị thuốc kích thích cảm giác ăn ngon miệng và sự thèm ăn. Nó cũng được đánh giá cao về tác dụng chữa chứng đau bụng, tiêu chảy, nhiễm giun sán hay rối loạn tiêu hóa.
- Các nghiên cứu khoa học hiện đại đã chứng minh được công dụng hạ huyết áp của cỏ xạ hương.
- Ngoài ra, xạ hương còn giúp giảm tình trạng kháng thuốc kháng sinh của các vi khuẩn gây bệnh.
Cách sử dụng cỏ xạ hương tốt nhất
Dùng cỏ xạ hương trong ẩm thực
Người phương Tây dùng lá xạ hương để tăng hương vị và trang trí món ăn. Đây là gia vị thông dụng trong nhiều món hầm, bít tết… Loại thảo mộc này phù hợp để kết hợp với nhiều thực phẩm khác từ thịt đỏ, cá, hải sản, khoai tây, trái cây nướng, kem, sữa nấu… Ngoài ra, cỏ xạ hương còn được dùng làm thuốc sắc, tinh dầu hoặc trà để phục vụ mục đích chăm sóc sức khỏe.
Dùng cỏ xạ hương làm thuốc, làm trà
Để pha trà cỏ xạ hương, bạn có thể dùng cỏ tươi hay cỏ khô đều được. Nếu dùng lá tươi bạn dùng khoảng 2 thìa, nếu lá khô dùng 1 thìa. Lá cỏ sẽ được hãm với 300ml nước sôi trong khoảng 5 – 7 phút là dùng được. Khi uống, bạn có thể cho thêm chút mật ong để làm tăng hương vị.
Các bài thuốc sắc thường là sự kết hợp của cây xạ hương với các nguyên liệu khác như lá thường xuân để trị ho. Tùy loại bệnh đường hô hấp mà chúng ta sẽ kết hợp xạ hương với các dược liệu khác nhau theo sự hướng dẫn của thầy thuốc.
Dùng tinh dầu xạ hương xông phòng
Xông phòng bằng tinh dầu xạ hương không chỉ giúp xua đuổi côn trùng, hạn chế nấm mốc, làm sạch không khí mà còn giúp chúng ta thư giãn tinh thần, có giấc ngủ ngon hơn, kể cả với người lớn tuổi. Nếu không có tinh dầu, bạn có thể chỉ cần dùng vài cành xạ hương, rang nóng với muối rồi đặt vào phòng là được.
Tác dụng phụ của xạ hương
Dù xạ hương có nhiều lợi ích với sức khỏe nhưng chúng ta không nên lạm dụng để tránh những tác dụng phụ như:
- Một số người gặp triệu chứng dị ứng, đau mắt, ngứa họng, khó thở khi sử dụng quá nhiều cỏ xạ hương.
- Nam giới trong độ tuổi sinh sản cũng không nên dùng nhiều bởi thảo dược này có thể làm giảm chất lượng tinh trùng.
- Dùng nhiều cỏ xạ hương làm chậm quá trình đông máu, tăng nguy cơ chảy máu âm đạo nên phụ nữ mang thai cần sử dụng với lượng vừa phải. Tốt nhất, mẹ bầu không nên sử dụng loại thảo mộc này trong 3 tháng đầu thai kỳ.
- Người già và trẻ em có cơ địa nhạy cảm không nên sử dụng cỏ xạ hương.
Cây xạ hương giờ đây không còn xa lạ với hầu hết chúng ta. Nó được khai thác sử dụng trong lĩnh vực ẩm thực, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, sản xuất nước hoa… Có một số quan niệm cho rằng xạ hương gây vô sinh hoàn toàn không có căn cứ khoa học.
Tuy nhiên, dù sử dụng vào bất kỳ mục đích gì, chúng ta cũng nên dùng đúng liều lượng để khai thác tối đa tác dụng của xạ hương. Đặc biệt, người trong độ tuổi sinh sản và phụ nữ mang thai càng không nên dùng nhiều để tránh làm ảnh hưởng đến tỷ lệ thụ thai và kế hoạch sinh con.
Thanh Hương
Nguồn tham khảo: Suckhoedoisong.vn