Đặc điểm, tác dụng và cách dùng Bạch cập trị bệnh – Medigoapp

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Cây Bạch cập, Cam căn, Liên cập thảo, Bạch cấp, Bạch căn, Trúc túc giao.
  • Tên khoa học: Bletilla striata (Thunb.) Reichb. F.
  • Họ: thuộc họ Lan (Orchidaceae).
  • Công dụng: Bổ phế, chỉ huyết, sinh huyết, sát trùng, khử độc, sinh cơ.

Mô tả cây Bạch cập

Là một loài Lan địa sinh, sống lâu năm, cao khoảng 0,9m, mọc hoang và sống ở nơi đất ẩm. Lá mọc từ rễ lên, chừng 3-5 là hình mác dài từ 18-40cm, rộng 2.5-5cm, trên có nhiều nếp nhăn dọc. Thân rễ phát triển, mang nhiều vảy, mọc bò ngang chia 2 – 3 nhánh, mỗi nhánh hình cầu dẹt, không đều, hầu hết có ngạnh dạng móng, dài 1,5 – 5 cm, dày 0,5 – 1,5 cm. Mặt ngoài trắng ngà hoặc trắng xám, bên trên có vài vòng đồng tâm, có các nốt màu nâu là sẹo của rễ con, các sẹo của thân nhô cao lên, mặt dưới có vết của củ khác nối liền. Hoa nở vào mùa hạ, màu đỏ tía. Quả hình thoi có 6 cạnh, dài khoảng 3 cm, đường kính 1 cm.

cây bạch cập

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Dược liệu Bạch cập phân bố chủ yếu ở một số tỉnh thành của Trung Quốc gồm: An Huy, Thiểm Tây, An Khánh, Trung Phủ. Ở Việt Nam, dược liệu cũng được tìm thấy ở phía bắc các vùng mát như: Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên, Cao Lạng. Tuy nhiên loại Bạch cập ở nước ta mọc hoang với các củ như bánh dày nhỏ. Chúng khác với dược liệu khi mọc ở Trung Quốc có những khối rắn, có từ 2 – 3 nhánh con với màu trắng nâu rất đặc biệt. Bạch cập là một cây thuốc quý ở Việt Nam, loài cây này được đưa vào danh mục đỏ của cây thuốc Việt Nam để chú ý bảo vệ và nghiên cứu, nhân giống trồng thêm.

Xem thêm  Chậu hoa lan giả để bàn sản phẩm trang trí nội thất cực đẹp

Thu hoạch vào mùa hạ, mùa thu. Đào lấy thân rễ, bỏ rễ con, rửa sạch đất cát, luộc hoặc đồ lên đến khi mặt cắt ngang thân rễ không còn lõi trắng, phơi đến khô một nửa, bỏ vỏ ngoài rồi phơi tiếp đến khô, nếu cần thì tán thành bột.

bạch cập

Bộ phận sử dụng của Bạch cập

Bộ phận được dùng để làm thuốc là thân rễ (củ). Sau khi sơ chế, dược liệu có hình bánh dày dẹt phẳng, có ngạnh, mặt ngoài có các vân nhỏ đồng tâm. Chất cứng chắc khó bẻ gãy. Mặt cắt ngang màu hơi trắng trong như sừng. Thân rễ không mùi, vị đắng, nhai dính, dẻo. Loại tốt nhất có màu trắng đục, chất đặc rắn, củ mập dày.

củ bạch cập

Thành phần hóa học

Về thành phần hóa học, trong thân rễ bạch cập chứa chủ yếu là chất nhầy khoảng 55% (Polysaccharid), được xác định là blatilamanan. Ngoài ra còn có các chất batatasin, methylbatatasin, biphenanthren, tinh dầu, tinh bột.

Tác dụng của Bạch cập

Theo Đông y, bạch cập có vị đắng, hơi ngọt, chát. Tính hơi hàn. Quy kinh phế, can, thận. Có tác dụng thu liễm, chỉ huyết (cầm máu), hóa ứ huyết, nhuận phế, hóa đàm, sinh cơ, liễm sang (làm thu se các mụn nhọt), tiêu sưng. Dùng trị các chứng ho ra máu do lao, thổ huyết, lỵ ra máu, chảy máu cam, đau mắt đỏ. Dùng ngoài, đắp vào các vết thương bị chảy máu, chữa bỏng, da nứt nẻ, nhọt độc viêm tấy. Liều dùng 6 -15g dạng nước sắc; 3-5g dạng bột. Dùng ngoài phối hợp với thạch cao để chữa mụn nhọt, các vết thương, vết loét. Bạch cập hòa với dầu vừng để chữa bỏng.

Xem thêm  Cách trồng lan Phượng Vỹ - Huyết nhung trơn

Ngày nay, Bạch cập chủ yếu được dùng theo kinh nghiệm dân gian để làm thuốc cầm máu, trong chảy máu cam, tiêu ra máu, đau mắt đỏ, đắp lên chỗ mụn nhọt, sưng tấy, bỏng. Biphenanthren phân lập từ Bạch cập có tác dụng kháng khuẩn trên một vài trường hợp nhiễm khuẩn thông thường. Điều trị xuất huyết đường tiêu hóa, xuất huyết đường hô hấp trên.

Lưu ý khi sử dụng Bạch cập

Không kết hợp Bạch cập với Phụ tử, Ô đầu. Phế vị có thực hỏa không nên dùng. Không dùng Bạch cập trong các trường hợp: Ung nhọt đã vỡ, Không dùng với các thuốc có vị đắng, tính hàn.

Bạch cập là một cây thuốc quý, cần được nhân giống và bảo vệ ở Việt Nam. Bạch cập thường được dùng với chỉ định cầm máu hiệu quả nhanh chóng. Sản phẩm từ Bạch cập dễ dàng tìm thấy trên thị trường của nhiều nhà sản xuất khác nhau.