Tên khác của Hồng Sắc là Giáng Hương Lá Dày. Thật không biết ai đặt cho em nó cái tên Lá Dày. So với 7 anh chị em trong chi Giáng Hương gồn có: 1 Môi Quạt, 2 Hồng Dâu, 3 Đuôi Chồn, 4 Quế Lan Hương (Gồm: Quế, Bạch Nhạn, Hồng Nhạn), 5 Giáng Xuân, 6 Quế Nâu, 7 Sóc Lào (Hay là: Đuôi Cáo, Cửu Vỹ Hồ) thì lá của em Hồng Sắc này cũng chỉ dày trung bình thôi, đặc biệt lá không thể dày bằng con Hồ Ly Tinh 9 Đuôi bên trên được.
Tôi vẫn thích tên em là Hồng Sắc hơn, vì nó chuẩn về màu sắc và đẹp hơn. Hoa em này có nét mềm mại, uyển chuyển nhẹ nhàng hơn Quế Lan Hương, mùi thơm thoang thoảng hương Cam. Hoa khá là bền, thường thì khoảng 20-35 ngày mới tàn. Màu sắc rất tươi tắn chứ không tối mù mịt như Quế Nâu hay Môi Quạt
(Ngoài lề chút nhé các bạn: Ta phân chia làm sao cho khoa học đây ạ? Em này thuộc vào vị trí nào trong danh sách gia phả?
Em nó thuộc GIỚI Thực Vật Có Hoa, BỘ Măng Tây, HỌ Lan, CHI Giáng Hương, LOÀI Hồng Sắc.)
Hồng Sắc thuộc KIỂU HÌNH lan ĐƠN THÂN – ĐỘC TRỤ, rễ to, lá dày cứng, chứa nhiều nước và chất dinh dưỡng trên lá. Chính vì thế khi trồng em này ta sẽ xử lý giống, chọn giá thể và cách trồng như sau:
A. Xử lý giống:
– Lan mua ký hoặc giò thanh lý về, ta sẽ cắt bớt rễ già, khô, dập nát. Chỉ để lại 1 khúc rễ dài khoảng 3-5cm. Dĩ nhiên nếu thích và bộ rễ quá đẹp, bạn có thể để lại gần như toàn bộ, tuy nhiên bạn phải chấp nhận em nó sẽ rất rất lâu mới bám được vào giá thể. Và thường (thường nha mấy thým) thì sau một thời gian 6 tháng -18 tháng, toàn bộ rễ đó cũng sẽ hỏng thôi.
– Thời điểm nào trong năm ghép cũng được, miễn là ban mua được hoặc đủ độ máu. Nhưng hay nhất vẫn là khi em nó nhú nụ, ta vặt bỏ và ghép.
– Ngâm vào dung dịch sát nấm khuẩn 15-20 phút như Ridomil hoặc Physan. Tôi thì thấy dùng Physan hay hơn, tiết kiệm mà dễ pha chế hơn. Nồng độ pha như bao bì. Có nhiều hãng cùng sản xuất Physan nên mỗi hãng sẽ khuyến cáo khác nhau.
– Vớt ra cho khô rồi ngâm vào dung dịch B1 và Atonik, nếu không thích thì bạn có thể ghép sau đó xịt B1 và Atonik (nếu có chế phẩm kích rễ, kích mầm, 5-6 trong 1 Thầy Hùng hay chiết suất tảo… thì tùy nhé).
– Nên ghép ngay khi cây đã khô, chứ chơi kiểu Tài Tử mà làm theo nhà vườn Chuyên Nghiệp treo ngược vài ngày tới vài chục ngày mới ghép thì không hay đâu.
B. Giá Thể:
1. Chậu đất nung với vỏ thông hoặc than đập nhỏ cỡ bằng hạt mít hoặc sầu riêng. Ghép lan vào thành chậu, lấy dây cột chắc vào thành chậu và sau đó bỏ than hoặc vỏ thông vào. (Nên ngâm than và vỏ thông cho no nước khoảng 1-7 ngày trước khi ghép).
2. Lũa: Dùng bàn chải sắt đánh sạch đất cát, sau đó ngâm nước 1-7 ngày hoặc vứt xuống ao ngâm cho nó no nước, vớt lên ngâm nước vôi trong hoặc Physan rồi rửa lại bằng nước lã và ghép. Bạn có thể khoan lỗ sau đó đóng đũa vào lỗ và cột cây lan lên cái đũa một cách chắc chắn là xong.
3. Gỗ vải, nhãn, vú sữa: nên bóc vỏ, gỗ tươi vừa cắt xuống ghép tốt hơn nhiều gỗ khô. Vẫn nên cho khúc gỗ ngậm no nước, sau đó ngâm nước vôi rồi rửa sạch là ghép được.
4. Dớn sợi, xốp, rêu, chậu nhựa… không phải là sự lựa chọn tốt để trồng em này.
C. Nâng cao tư duy cách ghép:
Ta nên ghép bao nhiêu cây vào giá thể:
1: Nhất trụ kình thiên, Đơn thương độc mã, một cây hai cục than…2: Song sinh, Huynh đệ, Bằng hữu, Mãi mãi.3: Tam Tài (Phúc – Lộc – Thọ).4: Bốn phương, Tứ Trụ, (Đọc trại thành Tứ – Tử).5: Ngũ Phúc (Phúc – Lộc – Thọ – An – Khang), hoặc quẻ Sinh (Sinh – Lão – Bệnh – Tử – Sinh). Hoặc là Ngũ Hành (Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ).6: Lộc – Lục.7: Thất (trong Thất Bát).8: Bát – đọc thành Phát (phát tài, phát lộc), Tám Hướng.9: Cửu nghĩa là Trường Tồn, con số quẻ Sinh.
Vậy khi ghép, ta nên chọn con số ta thích, ví dụ tôi thường ghép 5 cây 1 giò, 3 cây 1 giò. Ít khi tôi chọn 4 cây hoặc 7 cây. Tùy vào việc bạn có tin hay không.
Mỗi người 1 quan điểm, tôi không áp đặt cách chơi. Ví dụ hồi còn trẻ trâu, tôi hay trêu bố mê tín, gì mà bông gió cũng phải đúng lỗ ban 41cm, hay cái bàn dài rộng cao bao nhiêu cũng phải lỗ ban 2 dòng đỏ…. Giờ thì thấy rồi, nên tôi tin. (Bạn tôi đạo Thiên Chúa, anh ta nói rằng, Chúa dạy: “Phước đức cho những kẻ chưa thấy đã tin”).
Một vấn đề nữa là bạn nên ghép các cây có kích thước đều vào 1 giò, hoa sẽ đều và gọn gàng hơn. Nên ghép các cây SONG SONG, chứ không nên cây này đè lên ngọn cây kia, như thế rễ cây trên sẽ phủ lên cây dưới, trông rất rối mắt, nếu cây trên mà bị thồi nhũn thì dịch khuẩn sẽ chảy xuống và cây dưới ăn cho hết luôn.
D. Chăm sóc:
Cho em này ăn nắng 50-60% là ổn. Tôi thấy cho ăn nắng 70% cây không lên nổi, lá vàng quạch. Em này thì các bạn ở xứ nóng trồng đạt hơn xứ lạnh như chỗ tôi. Chỗ tôi trồng hay bị rớt lá chân và hơi khó hoa.
Em này rất thích nước, vì thế nếu trồng trên 3 loại giá thể trên, bạn cứ tưới tẹt ga ngày 1-4 lần tùy tiểu khí hậu vườn bạn.
Hồng Sắc khoe sắc vào các tháng 23456 âm lịch, vì thế bạn muốn có nhiều hoa thì nên cắt nước từ mùng 1 tết. Khi em nó ra nụ thì bắt đầu tưới thật nhiều cho lá nó căng ra thì hoa sẽ bền hơn.
Phân thì mời bạn quay lại bài PHÂN CHO LAN đọc lại giùm. Chỉ lưu ý 1 tí là mùa sinh trưởng mạnh của em này là sau khi ra hoa 1 tháng trở đi và thường trúng ngay đầu mùa mưa. Nếu bạn dùng phân NPK đạm cao (ví dụ 30-10-10 + TE) thì cây sẽ nhanh cao lên, mọc thêm lá nhanh hơn, nhưng bù lại là mưa xuống vài trận, em nó sẽ rất dễ bị thối nhũn và em đi xa quá! Vì vậy, thà chậm 1 tí mà an toàn, bạn vẫn nên dùng loại 20-20-20+TE thì hay hơn.
Em này nói chung là ít bệnh tật, nên thuốc thang phòng là chính. Một trong các thuốc trị nấm như Ridomil, Score, Antracol, Nativo, Aliet… ta sẽ trộn chung với một trong các thuốc vi khuẩn như Kasumin, Starner, Streptomicyn, Physan… xịt phòng bệnh định kỳ nửa tháng 1 lần. Luân phiên thay nhau sẽ không bị lờn thuốc.
Để tìm hiểu rõ hơn cách xử lý giá thể, đặc tính từng loại giá thể, cách cắt ghép ngâm treo cây giống, cách cạo vỏ và làm móc cho giá thể…. các bạn nhấn vào face của tôi và kéo xuống từ từ nghiên cứu nhé! Đặc biệt là cách cắt nước làm lan ra hoa, bạn PHẢI đọc lại bài Làm lan ra hoa phần 1 và 2 nhé!
Người viết mất 2 ngày, còn bạn, chỉ với 20 giây, bạn hoàn toàn có thể giúp nhiều người cập nhập thông tin bằng cách CHIA SẺ!
Tại sao không?
Nguyễn Ngọc Hà