Lan Nghệ tâm là một loài lan có giá trị đối với nhiều người, không chỉ mang lại hương sắc cho đời, lan Nghệ tâm còn có giá trị dược liệu rất lớn. Hôm nay mọi người cùng Nông nghiệp phố tìm hiểu bí quyết trồng và chăm sóc lan Nghệ tâm qua bài viết này nhé.
1. Nguồn gốc và phân bố của lan Nghệ tâm
Lan Nghệ tâm hay còn gọi là lan móc, thạch hộc duyên dáng, hoàng thảo thạch hộc, hoàng thảo nghệ tâm với danh pháp khoa học là Dendrobium loddigesii.
Đây là một loài lan trong chi Lan hoàng thảo và là loài bản địa của Lào, miền Nam Trung Quốc, và Hong Kong.
Loài này thường được tìm thấy trong những khu rừng nguyên sinh, rừng lá kim có nhiều rêu, ẩm ướt ở độ cao 1000m – 1500m so với mực nước biển.
Về với Việt Nam, lan Nghệ tâm có mặt ở các cánh rừng Tây Bắc, các tỉnh dọc theo dãy Trường Sơn giáp với Lào, Campuchia và Thái Lan như Thái Nguyên, Hòa Bình, Lâm Đồng…
2. Đặc điểm nhận biết của lan Nghệ tâm
Rễ lan Nghệ tâm thuộc loại rễ chùm, đầu rễ có màu xanh trắng và thân rễ màu trắng ngà. Cây sẽ ra rễ ở gốc và ở cả các cây con mọc ra trên thân cây cũ.
Rễ cây khi mới bắt đầu ra sẽ có rất nhiều đầu rễ, sau đó dài ra theo năm tháng và tiếp tục phân nhánh, ra nhiều rễ con bám vào giá thể để đi tìm hơi ẩm.
Thân lan Nghệ tâm là thân thòng, giả hành nhỏ và ngắn, thường mọc hướng lên trên, sau khi dài đến một kích thước nhất định sẽ rủ xuống, hoặc bò lan trên đất.
Thân cây cao trung bình 20cm – 37cm, đôi khi có thể cao đến 41cm, đường kính thân nhỏ 3mm – 4mm, màu xanh đậm hoặc xanh ánh vàng, trên thân đôi khi sẽ có sọc trắng mờ dọc theo thân.
Thân cây chia thành các đốt ngắn, mỗi đốt sẽ có 1 lá. Lá mọc dạng so le, nhỏ và dày, dài từ 2cm – 3cm, rộng khoảng 1.5cm – 2cm.
Dáng lá hình thoi và đuôi lá nhọn, màu xanh đậm hay màu xanh vàng. Trên lá có nhiều gân và có thể có sọc trắng mờ dọc theo lá.
Lá rụng theo mùa, thường đến cuối năm khi cây bước vào giai đoạn ngủ nghỉ, cây sẽ ngừng phát triển và rụng lá từ gốc, sau đó lan dần lên ngọn và sẽ cho hoa vào năm sau.
Hoa lan Nghệ tâm mọc đơn độc ở những đốt thân cây, hoa mọc dày đặc trên thân, thường mỗi thân sẽ cho hoa khoảng 1/3 chiều dài của thân.
Đường kính hoa từ 4cm – 5cm, lá đài và cánh hoa có màu trắng tím, môi hoa rộng, có tua và màu vàng tươi như nghệ.
Độ bền của hoa khoảng 3 – 5 ngày nếu thời tiết nóng và khô, đôi khi hơn 5 ngày nếu tiết trời mát mẻ.
Như những dòng lan thân thòng khác, lan Nghệ tâm cũng cần có thời gian ngủ nghỉ trước khi ra hoa. Mùa hoa nở thường vào cuối xuân và đầu hạ, khoảng tháng 2 đến tháng 5 hàng năm.
3. Giá trị của cây lan Nghệ tâm trong đời sống
Hoa lan Nghệ tâm rừng có cánh hoa đa dạng như cánh sen, cánh bay… làm cho người yêu lan vô cùng thích thú khi sưu tầm, hơn nữa một số cây còn có mùi hương nhẹ nhàng và đầy quyến rũ.
Ngoài giá trị làm đẹp, loài lan này còn có giá trị dược liệu rất lớn. Toàn bộ cây được sử dụng để làm thuốc chữa bệnh ung thư dạ dày, ung thư phổi, chống đông máu, ngăn ngừa tế bào ung thư tuyến giáp, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư thực quản, ung thư tuyến tụy, điều trị bệnh tiểu đường.
4. Cách trồng lan Nghệ tâm
a. Chọn giá thể trồng chất lượng
Giá thể trồng rất quan trọng, phải đảm bảo sạch tuyệt đối. Bạn có thể ghép gỗ, lũa, dớn bảng hoặc trồng chậu với các loại giá thể có khả năng giữ và thoát nước tốt như rêu rừng, xơ dừa, dớn cọng, viên đất nung, đá bọt…
b. Xử lý cây giống
Sau khi mua cây giống về, bạn bạn tiến hành cắt tỉa rễ, lá, thân hỏng đi. Sau đó ngâm vào dung dịch Physan, Benkona trong 15 – 20 phút để sát khuẩn rồi vớt ra để ráo.
Tiếp theo ngâm vào chế phẩm Hùng Nguyễn trong 15 phút để kích thích ra rễ và nảy chồi, sau đó vớt ra treo ngược lên cho khô để trồng.
Nếu bạn thay chậu, trước khi tách cây ra ngoài cần tưới đẫm nước. Sau 20 – 30 phút thì có thể tiến hành bóc rễ ra, thao tác cần nhẹ nhàng để không làm đứt hay tổn thương rễ.
Sau đó, bạn dùng kéo đã khử trùng cắt hết những rễ khô, bị sâu bệnh rồi chuyển cây sang giá thể mới.
c. Cách trồng lan Nghệ tâm
Thường thì ghép lan Nghệ tâm vào gỗ, lũa sẽ không giữ ẩm tốt bằng trồng vào các loại chậu đất nung.
Khi trồng lan Nghệ tâm bạn cần đặt cây thẳng đứng, hướng về phía ánh sáng mắt trời để tăng khả năng quang hợp của cây.
Nếu trồng lan Nghệ tâm vào chậu, bạn cần cố định thật chắc, không bị lung lay để tránh tình trạng chột rễ, thối rễ, hư rễ. Sau khi trồng, bạn có thể phủ một lớp rêu rừng lên bề mặt để giữ ẩm cho cây.
5. Cách chăm sóc lan Nghệ tâm
a. Ánh sáng và ẩm độ
Lan Nghệ tâm là loại hoa lan ưa ẩm và thoáng gió, ánh sáng thích hợp từ 20% – 50%, nhiệt độ thích hợp từ mát đến trung bình 20 – 30 độ C, và độ ẩm không khí từ 70% – 80%.
Thời gian đầu mới trồng, cường độ ánh sáng phù hợp khoảng 20%, bạn cần dùng lưới che nắng hoặc đặt cây dưới bóng cây lớn.
Khi cây đã phát triển khỏe mạnh, bạn cho cây ra nắng từ từ, ánh nắng trung bình khoảng 30%, và thời gian chiếu sáng khoảng khoảng 3 tiếng/ ngày.
b. Chế độ nước tưới
Nếu bạn ghép gỗ lan Nghệ tâm thì cần tưới nước 2 lần/ ngày, vì phương pháp trồng này thoát nước nhanh và giữ ẩm kém.
Trường hợp lan Nghệ tâm được trồng vào chậu thì bạn không nên tưới nước quá nhiều, chỉ cần đảm bảo giữ được độ ẩm tốt để cây phát triển.
Khi trời sang thu và đông, cây bắt đầu bước vào giai đoạn ngủ nghỉ thì bạn giảm lượng nước tưới lại và cắt phân để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.
c. Phân bón cho lan Nghệ tâm
Ở giai đoạn mới trồng, để cây phát triển tốt, cây mập, ra nhiều rễ, nhiều lá cần chú ý bổ sung phân có hàm lượng đạm cao như 30-10-10, đầu trâu 501, Powerfeed, Seasol… đồng thời kết hợp với dịch chuối, Vitamin B1.
Hoặc bạn có thể sử dụng kết hợp các loại phân tan chậm chuyên dùng cho lan như phân trùn quế viên, phân dê, Rynan, phân chì Nhật Bản… Các loại này, bạn có thể bón cho cây quanh năm.
Khi cây trưởng thành, bước vào thời gian cây tập trung tích lũy dinh dưỡng chuẩn bị cho giai đoạn ra hoa thì bạn bổ sung các loại phân bón có hàm lượng lân và kali cao như đầu trâu 701, 15-30-15, 10-55-10, 6-30-30… Định kỳ 7 – 10 ngày/ lần.
d. Phòng trừ sâu bệnh cho lan Nghệ tâm
Mỗi tháng nên phun phun phòng nhện đỏ và bọ trĩ bằng chế phẩm sinh học Neem Chito, chế phẩm trừ sâu sinh học Radiant. Để tác dụng thuốc tốt nhất thì nên phun vào buổi chiều mát và không có mưa.
Khi thấy thời tiết sắp mưa dài ngày là phải phun phòng trước để tránh trường hợp cây bị bệnh.
6. Cách chơi lan Nghệ tâm lâu tàn
Để giữ hoa lâu tàn, bạn đặt cây ở nơi có độ ẩm lớn, tránh mưa, giảm ánh sáng, tưới nước ít hơn. Đồng thời, khi tưới nước tránh tưới vào hoa, chỉ tưới vào xung quanh rễ.
⫸ Xem thêm: cách kích hoa lan nở ngay Tết Nguyên Đán
⫸ Xem thêm: cách trồng và chăm sóc lan thạch hộc tía
⫸ Xem thêm: cách trồng và chăm sóc lan báo hỷ ra hoa ngay Tết
Hy vọng với bí quyết nuôi trồng và chăm sóc lan Nghệ tâm mà Nông nghiệp phố chia sẻ, bạn sẽ có thể tự tay trồng và chăm sóc được những chậu lan Nghệ tâm duyên dáng này, chúc bạn thành công.
Nông Nghiệp Phố – chuỗi cửa hàng chuyên cung cấp vật tư trồng rau và hoa kiểng tại nhà với hơn 1000+ sản phẩm.
➤ Website: https://nongnghieppho.vn/
➤ Hotline: 0865 399 086