Nếu bạn thích một giống lan cho hoa thơm ngọt ngào quyến rũ; nếu bạn muốn tìm một giống lan có giá trị ổn định tăng dần đều theo thời gian bất chấp tình hình kinh tế suy thoái; nếu bạn muốn chơi một giống lan đẹp cả lá, thân, rễ và hoa… thì Hoàng Nhạn chính là cây lan bạn cần.
Thân đẹp, lá đẹp, rễ đẹp, hoa sáng màu rực rỡ, nở lâu tàn, dễ chăm sóc và dễ ra hoa… đó là đặc điểm của Hoàng Nhạn.
Hoàng Nhạn là 1 cây lan thuộc chi Giáng Hương rất đáng sưu tầm. Tên khoa học là Aerides odorata x houlletiana.
Hiện tại trên thị trường có rất nhiều giống Hoàng Nhạn với độ biến thiên về màu sắc khác nhau và vùng miền khai sinh khác nhau. Trong đó có cả cây gieo hạt và cây nuôi cấy mô, cây khai thác từ rừng tự nhiên.
Cây Hoàng Nhạn khá dễ nhận nhầm với cây Hồng Nhạn, Bạch Nhạn, Giáng Hương Tam Bảo Sắc, Quế Lan Hương… bởi vậy, để chắc chắn thì cần nhìn thấy hoa. Chỉ nhìn cây để phán đoán chính xác tên cây là cực kì khó và dù có là chuyên gia vẫn cứ sai như thường.
Hoa lan Hoàng Nhạn khá bền, thường sẽ giữ được hoa từ 15-25 ngày, mùi thơm rất quyến rũ nồng nàn và ngọt ngào. Hoa thường nở vào mùa hè ở Việt Nam, rất dễ ra hoa.
Ngắm nhìn từng chiếc lá bóng mượt, từng cọng rễ khỏe khoắn cũng rất thích thú và cảm giác tràn đầy sức sống.
Hiện tại giá thành của Hoàng Nhạn tại Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào mùa nở hoa. Hoa nở tháng 8,9,10 sẽ có giá cao gấp 5-10 lần vào tháng 4,5.
Bạn có thể buộc cây lan lên thân cây đang sống như cây nhãn, mít, vải, vú sữa, thiết mộc lan, cau…
Bạn cũng có thể trồng trên cục gỗ, lũa, hoặc trong chậu gỗ, chậu đất nung, chậu nhựa với giá thể là vỏ thông, dớn hoặc đá bọt, viên đất nung…
Sau nhiều năm thực nghiệm trên nhiều kiểu giá thể và nhiều chế độ chăm sóc khác nhau, bài này tôi xin chia sẻ tới các bạn cách trồng đơn giản nhất, nhanh nhất, dễ chăm sóc nhất, tiết kiệm nhất và dễ trưng bày nhất. Đặc biệt là cách này rất phù hợp với những vùng khí hậu có 2 mùa khô và mưa hoặc khí hậu lạnh quanh năm, rất dễ gây rớt lá chân trên lan đơn thân.
Bạn nên chọn những cây giống có bộ lá đẹp, không bị gãy dập vì chơi lan Giáng Hương thì 1 năm có 12 tháng chơi lá chơi rễ và 20 ngày chơi hoa mà thôi.
Cắt tỉa bộ rễ thật gọn gàng, để lại rễ khỏe mạnh dài từ 5-10cm sao cho nhét vừa vào chậu.
Vỏ thông kích cỡ từ 1-2cm, rửa thật sạch bằng nước sạch và có thể ngâm nước từ nửa ngày tới 1 ngày rồi vớt ra rửa lại và dùng liền.
Chậu gỗ hoặc nhựa hoặc đất nung đều được.
Không gian chơi lan càng thoáng, khô và nhiều gió thì chậu càng phải to và càng ít lỗ (ví dụ sân thượng hoặc ban công chung cư).
Ghép lên lũa, gỗ hoặc trồng không giá thể thì cây lên kém hơn, tốn nhiều công phun phân và tưới nước hơn, di chuyển tác phẩm lan khó khăn hơn và khó chiêm ngưỡng hơn, tuy nhiên lại trông có vẻ duyên hơn, tình hơn.
Mỗi chậu chỉ nên trồng 1 cây để vòi hoa không bị xỉa vào nhau. Lên hình cũng đẹp hơn, sau này cây lớn thay chậu cũng dễ hơn.
Cho cây vào chậu và cho vỏ thông vào gần đầy chậu, giữ cho cây thẳng đứng.
Phun chế phẩm Hùng Nguyễn 6in1 với liều 1cc 1 lít nước. Phun 5 lần, 5 ngày 1 lần để kích rễ mới và lá mới.
Trong khoảng 15-30 ngày sau khi trồng không nên treo lan lên giàn cao vội, nên để chỗ mát, thoáng, ẩm và ít nắng để cây lan hồi sức, ra rễ và đỡ thoát hơi nước gây rớt lá gốc và nhăn lá.
Cây đã khỏe có thể cho ăn nắng dưới 1 lớp lưới che đi 70% nắng.
Trung bình mỗi ngày tưới 1 lần vào buổi sáng, còn tùy tiểu khí hậu giàn lan mà tưới nhiều hay ít, ngày 1 lần hay 2 lần. Miễn là quan sát cây thấy lá không nhăn là được.
Sau 15 ngày từ ngày vào chậu, cho vào chậu phân thông minh tan chậm của Hàn Quốc 20.10.10 và viên nén dinh dưỡng hữu cơ Ben01 Hùng Nguyễn.
Cứ 3 tháng bỏ phân vào chậu 1 lần. Một năm bỏ 3 lần tính từ lúc tàn hoa.
Sau 1 năm nghiêng chậu xối nước thật nhiều để xả trôi đi xác phân cũ và giá thể mục. Thay vào một lớp vỏ thông mới và phân mới.
Một năm phun Movento+Fendona 3 lần, 4 tháng phun 1 lần.
Nếu lan bị bệnh thì cắt bỏ chỗ bệnh và xịt cồn vào vết cắt.
Nếu bạn làm kinh tế với cây Hoàng Nhạn thì nên phun thêm phân bón lá NPK và Cambi Nhật hàng tuần. Nếu không có nhiều thời gian thì không cần phun cũng được, miễn là phân gốc phải đầy đủ.
Đa số thì Hoàng Nhạn sẽ ra hoa tự nhiên, tuy nhiên 1 số vườn sau nhiều năm trồng mà không ra hoa được hoặc hoa bé, vòi hoa ngắn thì bạn nên phun NPK 6.30.30TE liều 1gram 1 lít nước vào buổi chiều mát, sáng tưới rửa sạch phân đi. Phun vào tháng 3, 4, 5, 6, 7 âm lịch đều được, phun liên tục 5-7 lần thì dừng, 5 ngày 1 lần.
Lan Hoàng Nhạn chủ yếu bị thối nhũn và thán thư, để phòng tránh bệnh thì bạn nên che mưa giàn lan nếu có điều kiện, nếu không thì bạn phải luôn chú ý phòng diệt côn trùng.
Dạo gần đây, tình hình dịch bệnh căng thẳng, kinh tế suy thoái, hầu hết các giống lan đều giảm giá trị, riêng Hoàng Nhạn thì lại càng ngày càng lên giá, các bạn có biết tại sao không?
Nguyễn Ngọc Hà