Lan Trúc Phật Bà có tên khoa học là Dendrobium Pendulum. Trúc Phật Bà khi trồng trong vườn lan rất hợp phong thủy nên rất được ưa chuộng.
Đặc điểm của lan Trúc Phật Bà
Đây là cây lan có hình dáng đẹp, lạ mắt, với nhiều đốt ngắn, tròn và phình to. Trên các đốt của cây là những chiếc lá mọc đều sang hai bên nhìn từ xa ta cảm tưởng đó như phật bà nghìn tay nên người ta ưu ái gọi với cái tên gần gũi trúc phật bà.
Lan trúc phật bà có chiều cao trung bình từ từ 30cm đến 80cm. Nếu được trồng trong môi trường thuận lợi có thể cao đến 1m. Khi còn nhỏ thân cây kết hợp với lá có màu xanh lục. Khi già lá rụng thì thân lại chuyển sang màu xanh vàng óng ả. Những đốt ở thân lan trúc phật bà thường không đồng đều, có đốt dài, có đốt ngắn. Lá cây thuôn dài hình mũi mác. Chúng có màu xanh đậm, nhạt tùy thuộc vào lượng ánh sáng mà cây nhận và hấp thụ được
lan trúc phật bà ra hoa vào cuối đông và kéo dài đến hết mùa xuân. Đặc điểm hình dáng hoa thường có 2 khuôn hoa chính. Loại thứ nhất, năm cánh hoa nhọn màu trắng cùng màu với viền lưỡi hoa. Ở đầu lưỡi và đầu 5 cánh hoa là một gam màu tím nhìn khá nổi bật. Bên trong họng lưỡi màu vàng được đánh dấu bằng 2 mắt màu nâu tạo điểm nhấn. Ở loại thứ hai thì 2 mắt màu nâu này hoàn toàn biến mất, chỉ để lại một màu vàng trên họng hoa. Bên cạnh đó hoa còn có dạng đột biến 5ct như hình minh họa ở dưới
Lan trúc phật bà đột biến
Lan Trúc Phật Bà đột biến cũng có những đặc điểm về thân và lá được miêu tả như trên. Song nó được giới chơi lan ưa chuộng bởi bông hoa có phần độc lạ hơn. Những bông hoa đột biến này sẽ mất hết những sắc tím ở đầu lưỡi và 5 cánh hoa. Thay vào đó là một màu trắng tinh khiết trên khuôn bông. Kết hợp giữa cái lưỡi màu trắng và màu vàng nhạt ở họng thì nhìn bông hoa rất sáng.
Cách trồng lan Trúc Phật Bà.
Hiện tại để trồng được loại lan này mình thường trồng vào dớn và chậu. Vì hai loại này giữ ẩm rất tốt nên phù hợp với loại lan ưa ẩm như Trúc Phật Bà. Còn gỗ và lũa thì khả năng thoát nước nhanh nên khó giữ ẩm.
Cách trồng lan trúc phật bà vào dớn
Bạn mua dớn ở cửa hàng vật tư cho lan. Có 2 loại là dớn bảng và dớn chậu, giá thì tùy loại từ 10-50k là ok. Dớn bảng thì bạn ghép trúc phật bà như ghép các loại lan thân thòng khác trên thớt gỗ. Nên dùng dây đồng, hoặc thép mềm xuyên qua dớn để cố định lan vào bảng là được.
Với dớn chậu thì cách trồng lan trúc phật bà phổ thông là ngửa chậu lên. Sau đó cho khóm lan trồng thẳng đứng hoặc xoè ngang. Có thể úp ngược và cho quay xuống, ghép vào xung quanh bên ngoài. Có bạn dùng rêu, sơ dừa phủ quanh rễ lan cho giữ ẩm. Cái này tùy bạn, còn mình thấy không cần thiết vì khi trồng lan là ta đã phải tưới ẩm thường xuyên rồi.
Cách trồng lan trúc phật bà trong chậu
Trong chậu gỗ, đất hay chậu nhựa bạn trồng thẳng hoặc cho thòng xuống đều được. Hiện tại mình trồng lan trúc phật bà trong chậu với giá thể: 60% vỏ thông lớn lót đáy chậu. 40% là dớn vụn + phân bò hoặc dê đã qua xử lý nấm trichoderma, trộn đều và cho gần đầy đến miệng chậu. Đặt cây lan lên trồng, Sau đó phủ lớp dớn chile, rêu rừng lên mặt chậu giữ ẩm. Thế là xong! Chú ý là phải cố định cây lan chặt để sao cho gốc không lung lay. Khi trồng gốc lan cần để nổi lên mặt chậu, đừng lấp kín sẽ làm bí gốc dẫn đến thối thân, rễ. Trồng cao còn giúp cho cây khi thòng xuống khỏi bị gập gốc và che lấp mắt ngủ.
Cách chăm sóc lan trúc phật bà
Cách chăm sóc loại lan này mình áp dụng giống như lan phi điệp. Phân bón thì ngoài dùng phân bò, dê thì dùng phân bón lá tùy theo giai đoạn phát triển. (Lưu ý chỉ nên bón phân với 1/2 liều lượng ghi trên bao bì. Phân bò phân dê phải xử lý kỹ nếu không sẽ bị nấm không tốt cho cây). Nếu bạn nào không có thời gian nhiều thì có thể bón phân chì tan chậm cũng được. Lâu lâu cho lan ăn thêm 1 số chất sinh trưởng như B1, Super thrive…. Bạn có thể tham khảo quy trình bón phân chi tiết cho lan của mình TẠI ĐÂY nhé.
Về không gian trồng lan trúc phật bà thì cần phải thoáng, có nhiều không khí để thuận lợi cho quá trình trao đổi chất và quang hợp và thẩm thấu của cây. Không nên đặt trúc phật bà ở những nơi bí bách, có ít không khí và ánh sáng. Tốt nhất là treo nơi cao thoáng mát và có ít nắng vào buối sáng
Về nước thì phải có chế độ tưới phù hợp với từng loại giá thể. Vào mùa hè nhiệt độ càng cao thì càng cần phải tưới nước thường xuyên. Nếu trồng lan trúc phật bà trong chậu thì chỉ tưới khi bạn thấy vật liệu bên trong khô hẳn. Chú ý cây không sống được nếu quá ẩm ướt. Vì thế không nên tưới nước quá nhiều làm cây dễ bị thối nhũn. Vào mùa đông cây bước vào kỳ nghỉ thì hạn chế tưới nước và bón phân.
Mặt hoa lan trúc phật bà
Bài viết trên là một số kinh nghiệm về cách thuần lan Trúc phật Bà của mình ở tiểu khí hậu vườn nhà tỉnh Gia lai. Mọi người hãy xem như là một tài liệu tham khảo cho việc trồng lan của mình nhé. Việc thuần được một cây lan còn tùy thuộc vào vị trí địa lý nơi bạn trồng. Thời gian bạn dành cho việc chăm sóc lan, kinh nghiệm và nhiều yếu tố khác cần có nữa.
Khi cây lan trúc phật bà mang về miền đồng bằng thì thấy đa số anh chị em chơi lan phản hồi rất khó thuần. Cây thường hay chết sau 1 năm cho hoa hoặc sống nhưng rất èo uột. Chính vì thế các bạn nhất là những người mới chơi lan nên cân nhắc trước khi trồng. Các bạn có thể thử trồng loại lan này xem như là một trải nghiệm chơi lan. Chỉ khi nào trồng được 1 giò lan trúc phật bà thuần rồi mới nên trồng đại trà chúng.
Mình đã có 2 bài viết chia sẻ những kinh nghiệm cần có cho người mới chơi. Nếu quan tâm các bạn có thể tham khảo thêm: Những kinh nghiệm chọn và trồng lan cho người mới chơi hay Cách trồng lan phi điệp từ A-Z