Cây đại tướng quân | BvNTP – Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Cây Đại tướng quân hay còn gọi là cây Náng thường được sử dụng để điều trị bong gân, đau nhức xương khớp, trật gân khớp sau chấn thương té ngã. Ngoài ra, một số nơi còn dùng Đại tướng quân để gây nôn, điều trị mụn nhọt, rắn cắn sưng đau.

Hình ảnh cây Đại tướng quân thường dùng trị đau nhức xương khớp, nhức mỏi tay chân

  • Tên gọi khác: Náng hoa trắng, Chuối nước, Náng, Tỏi lơi

  • Tên khoa học: Crinum asiaticum L.

  • Họ: Loa kèn đỏ – Amaryllidaceae

Mô tả dược liệu cây Đại tướng quân

1. Đặc điểm sinh thái

Đại tướng quân là cây thân thảo, có hành (giò), hình trứng, thân trung bình khoảng 5 – 10 cm. Phía trên thân củ thót lại thành cây cây, dài khoảng 12 – 15 cm. Lá cây mọc từ gốc, hình ngọn giáo, lõm vào trong, bên trên có khía, mép nguyên, lá có thể dài đến 1 mét, rộng khoảng 5 – 10 cm.

Hoa mọc thành cụm tán, phát triển trên một cán hoa dài hẹp, đường kính gần bằng ngón tay, dài khoảng 40 – 60 cm. Mỗi cán hoa thường mang 6 – 12 hoa, có khi nhiều hơn. Hoa màu trắng, có mùi thơm, đặc biệt là vào buổi chiều, hoa được bao bọc bởi nhiều mo dài từ 8 – 10 cm. Quả mọng hình tròn hoặc gần tròn. Đường kính quả khoảng 3 – 5 cm. Mỗi quả thường chỉ chứa một hạt.

Cây thường ra hoa và kết quả vào mùa hè.

2. Bộ phận sử dụng dược liệu

Toàn thân cây Đại tướng quân được ứng dụng để làm dược liệu. Tên khoa học là Herba Crini Asiatici.

Cây Đại tướng quân có hai loại là hoa trắng và hoa đỏ. Tuy nhiên, loại được sử dụng phổ biến để làm dược liệu là cây Đại tướng quân hoa trắng hay còn gọi là cây Náng hoa trắng.

3. Phân bố

Cây Đại tướng quân được tìm thấy ở Ấn Độ, Indonexia và đảo Molluyc.

Tại Việt Nam, Đại tướng quân mọc hoang ở nơi có đất ẩm ướt, khí hậu mát mẻ, thường mọc cạnh bờ sông, suối, ao hồ, sông rạch. Ngoài ra, cây cũng được trồng làm cảnh và thu hoạch để làm thuốc.

4. Thu hái – Sơ chế

Cây Đại tướng quân có thể thu hái quanh năm, tuy nhiên màu hè được xem là mùa thích hợp nhất để thu hái dược liệu.

Sau khi thu hái có thể dùng tươi hoặc khô đều được. Ngoài ra, có thể tán bột dùng ngoài da hoặc nấu thành cao.

Xem thêm  Top 5 Cây trồng trong nước giá rẻ, dễ trồng tại nhà - Sachico101.com

5. Bảo quản dược liệu

Dược liệu sau khi bào chế cần bảo quản ở nơi thoáng mát, khô ráo, tránh nơi ẩm ướt.

6. Thành phần hóa học

Thành phần hóa học chủ yếu trong cây Đại tướng quân bao gồm:

  • Ambelin

  • Crinasiatin

  • Crinamin

Rễ chứa các thành phần như:

  • Vitamin

  • Alcaloid Harcissin (Lycorin)

  • Các hợp chất kiềm (khiến dược liệu có mùi tỏi)

Hạt chứa:

  • Crinamin

  • Lycorin.

Vị thuốc Đại tướng quân

Đại tướng quân có tác dụng thông ứ, tán huyết, giảm đau, nhuận tràng, lợi tiểu

1. Tính vị

Đại tướng quân tính mát, vị cay, có chứa độc tố.

2. Quy kinh

Đại tướng quân quy vào kính Tỳ, Vị và Phế.

3. Tác dụng dược lý

Theo y học hiện đại:

  • Tác dụng làm giảm phì đại tuyến tiền liệt, phòng ngừa và điều trị xơ tuyến tiền liệt.

  • Tác dụng hỗ trợ điều trị đau họng, đau răng.

  • Điều trị viêm da, viêm da mủ, lở loét tay chân.

  • Chữa đau nhức xương khớp, bong gân, chấn thương té ngã.

  • Điều trị trị ngoại, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, khó tiêu.

Ở Ấn Độ Đại tướng quân được sử dụng để điều trị thiếu dịch mật, rối loạn đường tiết niệu. Lá dùng đắp ngoài để làm tan sưng và điều trị các bệnh viêm da, tổn thương ngoài da.

Theo y học cổ truyền:

  • Thông huyết, tán ứ, giảm đau, tiêu sưng.

  • Nhuận tràng, lợi tiểu, điều kinh.

  • Long đờm

Công dụng cây Đại tướng quân:

  • Lá Đại tướng quân được sử dụng đắp vào những chỗ tụ máu, đau, sai gân, sưng tấy do chấn thương. Đôi khi có thể dùng để xoa bóp điều trị nhức mỏi, tê thấp, thấp khớp.

  • Thân giã nát, gạn lấy nước, dùng uống sau mỗi vài phút có thể gây nôn.

  • Nhỏ nước ép thân rễ vào tai có thể chữa viêm tai, đau tai.

  • Thân hành giã nát dùng đắp ngoài da có thể điều trị mụn nhọt, áp xe.

4. Cách dùng – Liều lượng

Cây Đại tướng quân có thể dùng tươi hoặc khô đều được, có thể sắc thành thuốc, dùng thoa ngoài hoặc nấu thành cao đều được.

Liều lượng sử dụng khuyến cáo: 10 – 30 g mỗi ngày.

Bài thuốc sử dụng Đại tướng quân

Dược liệu Đại tướng quân thường được sử dụng để điều bong gân, sai khớp, mụn nhọt, lở ngứa ngoài da

Xem thêm  Hoa Hồng Trắng: Ý Nghĩa, Đặc Điểm, Cách Trồng Và Chăm Sóc

1. Điều trị phì đại tiền liệt tuyến

Sử dụng cây Đại tướng quân 6 g, Ké đầu ngựa 10 g, cây Xạ đen 40 g, sắc với 1 lít nước, dùng uống trong ngày. Sử dụng liên tục trong 1 tháng.

2. Điều trị bệnh trĩ ngoại

Sử dụng lá Đại tướng quân 30 g, đun với 1 lít nước, để nguội dùng bôi rửa vào hậu môn. Áp dụng biện pháp liên tục trong một tuần để làm co búi trĩ.

3. Điều trị bong gân, nhức mỏi xương khớp, viêm đau khớp

Bài thuốc thứ nhất:

Dùng lá Đại tướng quân hơ nóng, đắp vào vị trí bong gân, sai gân, nhức mỏi có tác dụng điều trị rất tốt.

Bài thuốc thứ hai:

Sử dụng 20 g lá Đại tướng quân, giã dập, thêm rượu, hơ nóng, dùng đắp vào chỗ đau, băng lại bằng gạc sạch. Thực hiện liên tục trong 3 ngày.

Bài thuốc thứ ba:

Sử dụng lá Đại tướng quân 10 lá, Bạc thua 8 g, lá cây Đơn đòn gánh 10 g, giã nhuyễn, đắp vào chỗ đau, băng lại bằng gạc sạch.

Bài thuốc thứ tư:

Sử dụng lá Đại tướng quân 30 g, Dạ cầm tươi 20 g, rửa sạch, để ráo, giã nát, dùng đắp vào chỗ đau, băng lại bằng gạc sạch.

4. Dùng để gây nôn trong trường hợp cần thiết

Sử dụng lá Đại tướng quân tươi 8 – 16 g, giã nát, dùng uống sau mỗi vài phút đến khi nôn.

Lưu ý: Không nên sử dụng quá liều, có thể gây ngộ độc.

5. Điều trị mụn nhọt, đinh mủ, rắn cắn, các bệnh viêm da

Sử dụng lá cây Đại tướng quân giã nát, đắp lên vết thương. Hoặc có thể giã nát lá ép lấy nước, dùng uống.

6. Chữa lưng đau nhức mỏi

Sử dụng lá Đại tướng quân 10 g, Bồ công anh 20 g, lá cây Ngũ trảo 20 g, cho vào cối, giã nát với một ít muối hạt. Trộn đều thuốc với rượu trắng trên 40 độ, dùng đắp vào vùng lưng đau.

7. Chữa viêm họng

Dùng lá cây Đại tướng quân giã nát, lọc lấy nước cốt, dùng ngậm và nuốt. Áp dụng mỗi ngày một lần.

8. Chữa bong gân, sai khớp

Sử dụng lá Đại tướng quân, Hồi hương, Đinh hương, vỏ Núc nác, vỏ Sồi, Gừng, Dây đau xương, lá Canh châu, lá Thầu dầu tía, lá Kim cang, Huyết giác, Nghệ, Hạt trấp, lá Bưởi bung, lá Tầm gửi cây khế, giã nát, sao nóng, dùng chườm.

Xem thêm  Gợi ý top 6 loại cây phong thủy tài lộc hàng đầu mang lại may mắn

9. Điều trị tụ máu, sưng tấy, té ngã, bong gân, gãy xương

Sử dụng lá Đại tướng quân 10 – 20 g, lá dây Đòn gánh 10 g, lá Bạc thau 8 g, giã nhỏ, thêm rượu, nướng nóng, dùng đắp lên chỗ đau. Mỗi ngày áp dụng một lần.

Lưu ý khi sử dụng cây Đại tướng quân

Ăn hoặc uống phải nước ép thân hành của cây Đại tướng quân có thể gây ngộ độc. Các triệu chứng phổ biến bao gồm nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, rối loạn hô hấp, mạch nhanh, nhiệt độ cơ thể tăng cao. Để giải độc, có thể dùng uống nước đường, nước muối pha giấm với tỷ lệ 2:1.

Bài thuốc chữa đau nhức xương khớp, bong gân, lưng đau mỏi, chỉ được dùng ngoài, không được uống.

Không được lạm dụng để tránh ngộ độc.

Cách phân biệt cây Đại tướng quân và cây Trinh nữ hoàng cung

Trinh nữ hoàng cung và Đại tướng quân đều là vị thuốc thuộc họ Loa kèn đỏ (Amaryllidaceae). Cả hai vị thuốc có vẻ ngoài tương tự nhau những về thành phần hóa học và tác dụng lại khác xa nhau. Do đó, để tránh nhầm lẫn, người dùng có thể tham khảo một số cách phân biệt như sau:

Phân biệt cây Đại tướng quân và cây Trinh nữ hoàng cung để có cách sử dụng phù hợp

Lá tươi:

  • Trinh nữ hoàng cung lá mỏng, màu xanh nhạt.

  • Đại tướng quân lá có to, dày, màu xanh đậm hơn.

Lá khô:

  • Trinh nữ hoàng cung có mùi thơm đặc trưng nhờ vào lượng tinh dầu có trong lá.

  • Đại tướng quân khô không có mùi thơm, mùi hơi hăng nhẹ.

Thân củ:

  • Trinh nữ hoàng cung có củ màu trắng, hình tròn.

  • Đại tướng quân có củ hình bầu dục, màu đỏ hoặc hồng nhạt.

Hoa:

  • Trinh nữ hoàng cung có hoa màu hồng nhạt.

  • Đại tướng quân hoa màu trắng hoặc đỏ phớt.

Cây Đại tướng quân là vị thuốc tương đối phổ biến và dễ tìm thấy. Tuy nhiên cây có chứa độc và dễ nhầm lẫn thành các loại cây cùng họ khác. Do đó, khi sử dụng cần lưu ý hoặc trao đổi với thầy thuốc để được tư vấn cụ thể.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp