Nhân giống phong lan bằng phương pháp ghép và tách chồi

Chị Phạm Ánh Hồng – Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố Lào Cai cho biết: Phong lan vốn là loài thực vật sinh sống và phát triển trong rừng, ở môi trường tự nhiên phong lan thường sống dựa vào vật chủ, bám trên thân cây, vách đá để nảy mầm, sinh trưởng. Hoa phong lan được mệnh danh là hoàng hậu trong các loài hoa nên luôn luôn được nhiều thị trường ưa chuộng và đông đảo người sưa tập săn tìm. Có rất nhiều loại phong lan sinh trưởng ở những điều kiện khác nhau, riêng phong lan rừng có thể nhân giống và trồng tại môi trường thành phố nhưng yêu cầu kỹ thuật không đơn giản. Để phong lan rừng có thể thích nghi được với điều kiện trong đô thị vốn có nền nhiệt, độ ẩm… khác xa với môi trường rừng tự nhiên đòi hỏi người trồng phải biết vận dụng biện pháp kỹ thuật tác động hỗ trợ để phong lan có thể thích nghi, phát triển và ra hoa theo ý muốn. Theo nghiên cứu, phương pháp nhân giống phong lan bằng tách trồi, ghép cành sẽ giúp tạo ra số lượng cây giống lớn mà không phụ thuộc vào nguồn giống trong tự nhiên, bên cạnh đó cây phong lan nhân giống bằng tách trồi, ghép cành cũng thường có khả năng thích nghi sinh trưởng lâu dài trong môi trường ngoài rừng.

ghep tach lan 1

Xuất phát từ am hiểu kỹ thuật trồng, tách chồi, ghép cành phong lan và với mong muốn bảo tồn được nhiều loài phong lan rừng đẹp, sau thời gian dài ấp ủ ý tưởng, từ đầu năm 2018 chị Hồng đã triển khai mô hình nhân giống phong lan rừng bằng phương pháp ghép và tách chồi. Chị đã liên kết thực hiện thí điểm trực tiếp với 02 hộ gia đình trong thành phố Lào Cai là hộ anh Nguyễn Đức Thọ ở tổ 37, phường Pom Hán và hộ chị Nguyễn Thị Lan Anh ở tổ 23, phường Bình Minh bước đầu cho kết quả rất khả quan.

Hầu hết các loài phong lan không cần nhiều ánh sáng, do đó chị Hồng chọn thiết kế vườn phong lan ở nơi có nhiều bóng râm, thoáng gió, tránh được ánh nắng trực tiếp về chiều, tránh nơi có nhiều khói bụi. Vật tư sử dụng để trồng phong lan cũng khá đơn giản, dễ kiếm tìm như: than, sơ dừa (đã qua xử lý) thân cây, bảng gỗ, chậu đất nung, các chất kích thích sinh trưởng, phân bón chuyên dụng và một số phụ phẩm khác, hệ thống tưới phun sương, lưới đảm bảo che nắng mưa…

Xem thêm  Cây Cỏ Lan Chi - Cây Cảnh Hà Nội

Mô hình của chị Hồng đã tách ghép, nhân giống, trồng thành công với nhiều loài phong lan rừng khác nhau như: Phi điệp vàng, Phi điệp na hang, Hoàng thảo tam bảo sắc, Hoàng nạp, Ý ngọc, Hạc vỹ, Hương va ni, Hoàng thảo thập hoa, Hài xanh… Sau đây, chị Hồng sẽ chia sẻ với quý độc giả về kỹ thuật nhân giống, chăm sóc phong lan bằng phương pháp ghép và tách chồi đã thực hiện trong thời gian qua.

ghep tach lan 2

Sau khi tách, cắt từ giò hoa tự nhiên ra các khóm, cây, cành riêng biệt cần xử lý ban đầu bằng cách nhúng khóm, cây, cành đã tách, cắt vào dung dịch thuốc Stepguard nồng độ 30ppm trong thời gian 15 phút để ngăn ngừa nấm, vi rút, vi khuẩn xâm nhập; sau đó để cây nơi khô ráo, thoáng mát có gió nhẹ; sau 03 ngày, đem nhúng rễ cây vào dung dịch thuốc kích thích sinh trưởng AIA nồng độ 50ppm hoặc dung dịch Auxin nồng độ 25ppm; nếu không có các chất trên ta có thể dùng đọt cây ngô hoặc trái đậu đũa giã nát pha vào nước để nhúng rễ cây (01kg đậu đũa pha 03 lít nước, 01kg đọt ngô pha 02 lít nước), thời gian nhúng rễ là 30 phút, nhúng xong có thể tận dụng nước nhúng này để tưới lên giò lan sau khi đã ghép hoàn chỉnh.

Đối với nhóm phong lan nở hoa vào mùa xuân như Ngọc điểm, Hạc vỹ…, sau khi xử lý ban đầu xong thì bó và treo ngược rễ lên nơi thoáng mát; dùng bình phun sương tưới nhẹ nhàng vào lúc 21h hàng ngày; sau 07 ngày ta đem trồng, khi trồng cắt bỏ bớt phần rễ già; dùng than gỗ đập nhỏ cỡ ngón tay cái bỏ vào 2/3 giò rồi đặt cây theo chiều thẳng đứng sau đó chèn giá thể vào vừa ngang miệng giò.

Đối với nhóm phong lan nở hoa vào mùa hạ như Dã hạc, Long tu, Vảy rồng, Hoàng thảo…, sau khi xử lý ban đầu thì cắt bớt phần rễ già và cây già đã có dấu tích nở hoa; dùng giá thể bỏ vào 2/3 giò rồi trồng vào mỗi giò một bụi từ 03-04 cây; sau đó dùng than gỗ chèn vào cho chặt, có nhiều loài rất dài vì vậy cần cố định bằng cách buộc thân cây với các sợi dây treo của giò.

Xem thêm  Cây hoa lan vanda: 8 lưu ý khi trồng hoa lan phát triển

Đối với nhóm phong lan nở hoa vào mùa thu đông như Lan hài, Hoàng hậu, Giáng hương, Tam sắc bảo, Đuôi cáo phi điệp…, sau khi xử lý ban đầu xong thì dùng giá thể và một ít cát hoặc bột đá trộn với nhau và cho vào 2/3 giò; sau đó đặt vào mỗi giò từ 05-07 cây; sau cùng bỏ dớn vào chèn vừa phải, không nén quá chặt.

Đối với nhóm phong lan ghép vào thân cây, giò đất hoặc ghép bảng như Dã hạc, Phi điệp, Hạc vỹ, Hoàng thảo… , sau khi xử lý ban đầu xong dùng một tấm bảng gỗ có diện tích 23cm x 27cm, có độ dày khoảng 10cm (những tấm bảng có bề mặt lồi lõm nhẹ càng tốt), trên mặt tấm ván đóng 03 cây đinh 2,5cm theo hình tam giác, khoảng cách giữa các cây đinh là 15cm; sau đó lót một lớp giá thể dày 03cm rồi áp sát rễ bụi lan vào và giải thêm một lớp giá thể dày 02cm lên trên lớp rễ cây, rồi dùng dây kẽm buộc chéo cố định bụi lan sao cho không bị lồi ra. Đối với các loại Long tu, Giã hạc khi treo bảng nên xốc ngược thân cây xuống đất; đối với các loại Phi điệp, Hoàng thảo, Sóc lào, Vảy rồng thì cho hướng thân cây lên trên.

Tùy từng loại phong lan và theo thực tế nhiệt độ môi trường vườn mà áp dụng chế độ tưới ít hay nhiều nước để giữ ẩm vừa đủ. Nhìn chung, các loài phong lan rừng sau khi ghép, tách chồi nếu tiếp tục trồng trong không gian đô thị thì cần tưới mỗi ngày 01 lần, tốt nhất là tưới vào khoảng 07h sáng bằng bình tưới phun sương thật nhỏ, những ngày trời mưa thì nên tận dụng nước mưa tự nhiên.

Sau khi trồng 07 ngày, chờ giò phong lan ổn định thì tiến hành bón phân định kỳ 04 ngày/ lần (vì phong lan hấp thụ chậm, dễ rửa trôi thông qua việc tưới nên phải bón phân nhiều lần); sau 01 đến 03 tháng đầu, dùng phân NPK60:30:30+TE nồng độ 5grm/ bình 04 lít; sau 04 đến 09 tháng, dùng phân NPK30:10:10+TE nồng độ như trên; khi đủ 09 tháng, phong lan trổ hoa thì dùng NPK20:20:20+TE nồng độ tương tự; sau đó, định kỳ cứ sau 10 đến 12 ngày thì bón 01 lần Super BO, dùng phân hòa tan vào nước rồi tưới trực tiếp lên hệ rễ, lá của cây.

Xem thêm  Top 23 loài lan Hài Việt Nam nên sưu tầm

Chị Hồng cho biết: Với mô hình ban đầu từ 80 giò phong lan rừng các loại, sau 01 năm đã tách, ghép ra được khoảng 300 giò; nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên đa số cây đều sinh trưởng và phát triển tốt, thân mập, rất ít có sâu bệnh, hoa nở đều. Phong lan ra hoa đẹp và đúng mùa sẽ bán được với giá cao hơn rất nhiều so với các loài hoa khác nên đem lại giá trị kinh tế đáng kể. Một giò phong lan Phi điệp vàng 03 ngòng hoa giá bán 200-350 nghìn đồng; một giò phong lan Hoàng lạp giá bán 300 nghìn đồng; một giò phong lan Ý ngọc 10-13 ngòng hoa bán trên 02 triệu đồng; một giò phong lan Hạc Vỹ giá bán 500 nghìn đồng… Với mức tạo thu nhập từ 150 nghìn đến hơn 02 triệu đồng từ 01 giò phong lan ghép chồi thì có thể khẳng định việc nhân giống phong lan bằng phương pháp ghép và tách chồi tại chỗ trong đô thị là một giải pháp phát triển kinh tế khá tiềm năng.

Qua thực hiện mô hình cho thấy nhân giống phong lan bằng phương pháp ghép và tách chồi tại thành phố góp phần tránh khai thác cạn kiệt nguồn phong lan trong rừng tự nhiên mà vẫn cung cấp được nhiều giống phong lan đẹp phục vụ người tiêu dùng. Với mức đầu tư vừa phải, chỉ cần khéo léo tận dụng không gian hợp lý như trái nhà, ban công, sân thượng… là đều có thể sắp đặt được các giò phong lan đẹp, giá thể trồng phong lan đơn giản, dễ kiếm, khả năng sinh trưởng của phong lan tách chồi tại chỗ thích nghi khá tốt với điều kiện khí hậu thành phố; nếu áp dụng đúng kỹ thuật trong quá trình nhân giống tách chồi, ghép và chăm sóc sẽ tạo ra cây khỏe, cho hoa đẹp góp phần vừa phát triển kinh tế, vừa tạo cảnh quan đẹp và bảo vệ môi trường.

Bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu về phong lan, mua bán phong lan, tìm nguồn cung cấp giống hoặc hiểu biết về kỹ thuật trồng, nhân giống, ghép tách chồi phong lan có thể liên hệ trực tiếp với chị Phạm Ánh Hồng theo số điện thoại 0965150574 để cùng học hỏi, trao đổi và hợp tác.