Lan bị thối nhũn lá
Lan bị thối nhũn lá
– Thối nhũn hay thối mềm là một trong những bệnh gây thiệt hại lớn nhất cho vườn lan. Nhất là vào mùa mưa.
-
DẤU HIỆU CỦA BỆNH:
– Dấu hiệu dễ nhận biết nhất đó là lan bị thối nhũn lá có vết bệnh có mùi rất hôi thối, khó chịu và nồng nặc.
– Với những giống lan lá mọng nước như Hồ Điệp, Ngọc Điểm (Đai Châu), trên lá xuất hiện bọng ngậm nước (như vết bỏng). Bao quanh vết loang là quầng vàng, bệnh trở nặng, nhớt, chảy nước (khác với thán thư gây ra do nấm, vết bệnh thán thư khô, còn vết bệnh thối nhũn gây ra do vi khuẩn ướt hơn).
– Trên Vanda, Hoàng Hậu bệnh xuất hiện trên lá với những mảng màu nâu, khô dần và chuyển qua màu đen lõm xuống.
– Trên lan Hài, bệnh thường xuất hiện ở nách lá, đọt non rồi lan dần về phía ngọn, xuất hiện những đốm ngậm nước màu nâu vàng, dần qua nâu đỏ, trũng xuống.
– Để lâu, bệnh lây lan rất nhanh, lan dần về thân, rễ.
-
NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH:
– Do vi khuẩn Erwinia Carotovora xâm nhập qua các tổn thương trên lá (xước, gãy dập, côn trùng hút chích..).
– Bệnh sinh sôi và phát triển nhanh trong điều kiện nóng ẩm. Độ thông thoáng vườn kém hay nhiệt độ thay đổi đột ngột cũng khiến lan bị thối nhũn lá.
-
CÁCH XỬ LÝ:
– Khi phát hiện ra bệnh, lập tức cách ly cây bệnh, tốt nhất cắt khoét bỏ phần bị bệnh (cách 2 cm), sát trùng vết cắt bằng bôi vôi, Dithane hoặc Ridomil Gold pha sệt. Sau đó phun thuốc chứa Amoni bậc 4 như Physan cho cả vườn (ướt đều 2 mặt lá và giá thể). Với cây chớm xuất hiện đốm bệnh nhỏ, có thể bơm thuốc trị thối nhũn vào ống và tiêm vào vị trí đốm bệnh. Giảm độ ẩm, cắt nước 1-2 ngày cho cây bệnh, không bón phân giàu đạm.
– Với cây đã bệnh quá nặng, tách châu khỏi chậu, cắt bỏ phần rễ, lá bị bệnh, bôi keo liền sẹo (Mỹ Tiến; Keo USA) hoặc vôi, treo ngược cây nơi thoáng gió, ít nắng. Sau khi cắt nước 1 ngày, pha thuốc điều trị thối nhũn ra chậu, ngâm cây 10-15 phút. Treo cây lên để ráo. Sau vài ngày khi vết bệnh khô có thể phun sương giữ ẩm (hòa thêm b1 kích rễ). Tiến hành trồng lại vào chậu mới khi cây đã ổn định.
– Bệnh có thể lây lan khi tưới nước, nên lưu ý vấn đề này.
- LƯU Ý:
– Không tưới nước vào giữa trưa, đêm muộn gây úng nước, ướt sũng chậu. Giá thể phải thoáng rễ, không quá ngậm nước.
– Đảm bảo độ ẩm và độ thông thoáng vừa phải cho vườn. Mùa mưa giảm tưới và hạn chế bón phân giàu đạm. Mùa nóng không tạo môi trường quá ẩm ướt.
– Phun định kỳ thuốc phòng trừ bệnh thối nhũn.
-
SẢN PHẨM THUỐC PHÒNG TRỪ BỆNH:
– Physan 20SL (nếu có thể tìm mua, dùng hàng Mỹ sẽ hiệu quả nhanh hơn) chứa Amoni bậc 4 đặc trị thối nhũn, pha 2ml/ lít nước.
– Starner hoạt chất Axit Oxolinic 20% ,pha 1,5-2g/ lít nước, phun ướt đều cây.
– Ridomil Gold pha 6-7g/ lít nước phun ướt đều cây hoặc quét trực tiếp lên vết bệnh.
– Dithane M-45 pha 1g/ lít nước, có thể bôi trực tiếp thuốc vào vết thối nhũn.
– Poner hoạt chất Streptomycin sunfat 40%, dạng viên sủi, 1 viên pha vừa đủ cho 16-20 lít nước.
– Kasumin hoạt chất Kasugamycinức chế vi khuẩn, ngăn ngừa bệnh loét, thối nhũn, pha 2-3 ml/ lít nước, có thể kết hợp thêm Topsin hoặc Daconil tăng hiệu quả.
– Trên đây là một số thuốc phòng trị bệnh thối nhũn với tính kháng khuẩn cao, hiệu quả nhanh. Ngoài ra có thể phun nước vôi trong giúp phòng ngừa bệnh thối nhũn khá hiệu quả.
– Phun phòng bệnh 10-14 ngày/ lần vào mùa mưa; 2-3 tuần/ lần vào mùa khô.
Xem thêm: Kinh nghiệm chơi lan
Fanpage: Lan Việt
Kênh Youtube: Lan Việt