Đã bao giờ bạn nghe nói đến một loài lan không lá, cây chỉ có rễ và hoa, đó là hoa lan căn diệp. Thú vị là thế, độc đáo là thế, nhưng cách trồng và chăm sóc lan căn diệp thật ra không quá khó. Cùng Nông nghiệp phố tìm hiểu ngay cách trồng và chăm sóc lan căn diệp nhé.
1. Đặc điểm của hoa lan căn diệp
Lan căn diệp không có lá và thân cực kì ngắn, rễ bám vào thân cây hay giá thể. Bộ rễ của lan căn diệp vừa có khả năng tích nước, dinh dưỡng, đồng thời chứa diệp lục giúp cây quang hợp.
Hoa rất nhỏ, cuống hoa dài 1.25cm – 5cm. Hoa thường nở vào cuối xuân và đầu hạ. Hiện tại, lan căn diệp có nhiều màu sắc khác nhau như vàng, cam…
Lan căn diệp vàng có hoa màu vàng với các đốm nâu. Còn lan căn diệp trắng cho hoa màu trắng, phần trong cánh môi có những sọc màu vàng không đều.
2. Chuẩn bị trồng lan căn diệp
a. Cách chọn cây giống
Lan căn diệp thường sống bám trên thân cây, vì vậy nên chọn những cây đang còn nguyên bản đang bám gỗ. Chọn cây có phần rễ lành lặn, lớn, mập mạp.
b. Chuẩn bị giá thể trồng
Vì lan căn diệp có bộ rễ cực kì phát triển, cây sống nhờ bộ rễ nên giá thể trồng cần phải được chọn lọc kĩ.
Giá thể trồng nên là gỗ lũa vững chắc, bền lâu. Vì thay đổi giá thể thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của bộ rễ.
Không nên chọn những loại gỗ bị bong tróc vỏ, nếu chọn những loại gỗ này cần phải bóc vỏ trước khi ghép lan căn diệp vào.
Nếu loại gỗ để được cả vỏ thì cần phải đảm bảo không có nấm bệnh bởi vỏ cây có thể giữ ẩm tốt hơn, nhưng dễ bị nấm bệnh hơn.
Cần xử lý giá thể trước khi ghép bằng cách ngâm 1 ngày trong nước vôi loãng, hoặc chế phẩm xử lý nấm bệnh Benkona hay hơ vào lửa.
Bạn có thể sử dụng các loại chậu đất nung đề trồng lan căn diệp sẽ giúp tăng tính thẩm mỹ rất nhiều.
3. Cách trồng lan căn diệp
Lan căn diệp thường được bán theo 2 dạng là nguyên bản lan căn diệp vẫn bám trên cành cây, hoặc đã được bóc ra, thưỡng sẽ bóc trụ hay bóc rừng.
Với lan căn diệp nguyên bản, nếu giá thể vẫn còn tốt, cứng, không bị mục nát thì chỉ xử lý nấm bệnh, treo cách ly rồi treo lên giàn để tránh lây lan mầm bệnh.
Đối với giá thể đã mục, thì bạn tách ra và ghép vào giá thể mới. Để tránh làm đứt rễ, đồng thời loại bỏ mầm bệnh, ngâm ngay vào Benkona khoảng 30 phút, sau đó tiến hành bóc tách.
Sau khi tách, bạn treo chỗ thoáng mát khoảng 2 – 3 giờ để rễ khô rồi sau đó bắt đầu ghép.
4. Cách ghép lan căn diệp
Đầu tiên, bạn cố định giá thể trồng. Rồi cắt tỉa các ngồng hoa, rễ héo, rễ dập. Tuy nhiên, bạn chỉ cắt tỉa rễ vừa phải thôi vì nó là nơi chứa chất dinh dưỡng của cây.
Sau đó bạn căn chỉnh vị trí ghép cây. Hướng mắt của lan căn diệp ra ngoài, sao cho khi nó có hoa thì các ngồng hoa được bung tỏa thoải mái nhất.
Sử dụng dây buộc cố định mắt của căn diệp vào giá thể. Chiều rộng dây không quá to và dễ dàng cắt bỏ khi căn diệp đã ra đủ rễ để bám giá thể chắc chắn.
Mỗi vòng dây buộc cách nhau khoảng 2cm – 3cm. Quấn thưa sẽ giúp rễ cây có thể thở được, nếu quấn bít kín rễ sẽ thối và cây sẽ chết.
Khi quấn đến vòng dây cuối cùng thì bạn dùng kéo cắt cụt phần rễ cây ngay sát vòng dây, để rễ mới ra có thể bám chắc ngay vào giá thể.
5. Cách chăm sóc lan căn diệp
Lan căn diệp là cây ưa ẩm và chịu bóng, khi chăm sóc lan căn diệp, bạn cần chú ý một số điều kiện sau.
a. Ánh sáng và độ ẩm
Lan căn diệp phù hợp với cường độ ánh sáng trung bình và là loài cây ưa bóng, chỉ chịu được nắng nhẹ. Bạn cần dùng lưới che nắng cho lan, cường độ ánh sáng khoảng 40% – 50%. Lan căn diệp rất thích ẩm, độ ẩm tối thiểu khoảng 65%.
b. Chế độ nước tưới
Ngày tưới 1 – 2 lần tùy theo điều kiện khí hậu. Nếu vườn lan ẩm, có thể chỉ cần tưới buổi sáng sớm, nếu nhanh khô thì có thể tưới 2 lần/ ngày vào sáng sớm và xế chiều.
Đôi khi bạn có thể thấy lan căn diệp ra lá rất nhỏ. Nguyên nhân là do chế độ nước tưới, độ ẩm khiến chúng ra lá giống như loài xương rồng. Lúc này, bạn có thể điều chỉnh nước tưới cho phù hợp hơn.
c. Phân bón cho lan căn diệp
Để cây hấp thụ tốt nhất, tính thẩm mỹ cao bạn nên sử dụng các loại phân bón dạng lỏng như dịch chuối, Vitamin B1, Seasol, Powerfeed, Acroots, Orghum… Phun định kì 7 – 10 ngày/ lần.
Đồng thời, bạn cũng có thể sử dụng kết hợp một số loại phân tan chậm như phân trùn quế viên, phân dê, Rynan, phân chì Nhật Bản… gắn vào giò lan, tuy nhiên tính thẩm mỹ sẽ không cao.
⫸ Xem thêm: cách trồng và chăm sóc lan trứng bướm
⫸ Xem thêm: cách trồng và chăm sóc lan càng cua
⫸ Xem thêm: bí quyết trồng và chăm sóc lan Bạch Nhạn
Cách trồng và chăm sóc lan căn diệp khá đơn giản, ai cũng có thể trồng được. Nếu bạn cũng yêu thích loài lan này thì trồng ngay nhé, chúc bạn thành công!
Nông Nghiệp Phố – chuỗi cửa hàng chuyên cung cấp vật tư trồng rau và hoa kiểng tại nhà với hơn 1000+ sản phẩm.
➤ Website: https://nongnghieppho.vn/
➤ Hotline: 0865 399 086